Mua sản phẩm tại Pharmacity suốt 1 năm, khách hàng "sốc" khi kiểm tra thông tin nhà sản xuất
Anh Ch. đã gọi đến đường dây nóng của Pharmacity 3 lần để phản ánh nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi rõ ràng.
Theo báo Người đưa tin ngày 12/5 có bài Mua sản phẩm tại Pharmacity suốt 1 năm, khách hàng "sốc" khi kiểm tra thông tin nhà sản xuất. Nội dung như sau:
Suốt một năm mua ba sản phẩm bổ não và hỗ trợ xương khớp cho người thân tại Pharmacity (chuỗi bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam), anh N.T.Ch. (36 tuổi, trú tại Hoài Đức, Hà Nội) vừa bàng hoàng phát hiện cả ba sản phẩm này đều được sản xuất bởi Công ty TNHH Công nghệ Herbitech.
Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ, ngày 28-4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở đối với bốn người gồm: Phạm Vũ Khiêm (giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Herbitech), Vương Thị Hoa, Lê Thị Hồng Vân (cùng là kế toán trưởng Công ty TNHH Công nghệ Herbitech) và Bùi Thị Thu Hà (phụ trách bộ phận kế toán Công ty TNHH Công nghệ Herbitech) cùng về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã xác định 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Medi Kid Calcium K2 và Ăn ngon BABY SHARK do Công ty TNHH Công nghệ Herbitech sản xuất là hàng giả. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiếp tục thu giữ thêm 115 mẫu sản phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty TNHH Công nghệ Herbitech sản xuất có dấu hiệu hàng giả, đang chờ kết quả giám định đối với các mẫu sản phẩm trên.
Sản phẩm của Công ty TNHH Công nghệ Herbitech mà anh Ch. mua trong suốt một năm qua là viên uống Pharmacity Ginkgo Biloba hỗ trợ hoạt huyết, tăng tuần hoàn não (hộp 30 viên); viên uống Pharmacity Hoạt huyết tăng cường tuần hoàn máu não (hộp 3 vỉ x 10 viên) và Pharmacity Joint Care (30 viên). Việc 3 sản phẩm này được sản xuất bởi một công ty bị phát hiện sản xuất hàng giả đã khiến cho anh Ch. rất hoang mang và nghi ngờ về tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm này.
Hoá đơn anh Ch. mua thuốc tại cửa hàng Pharmacity (Ảnh: NVCC)
“Tôi thường xuyên mua các loại sản phẩm này cho người thân ở quê dùng. Pharmacity có chương trình khuyến mãi mua 1 tặng 1. Tôi thấy giá cả hợp lý. Gần như tháng nào tôi cũng mua rồi gửi về quê biếu người thân, họ hàng”, anh Ch. chia sẻ. “Trước đây tôi chỉ quan tâm thành phần, liều dùng và hạn sử dụng. Nhưng sau loạt vụ thuốc giả, tôi kiểm tra kỹ thông tin nhà sản xuất thì phát hiện các loại sản phẩm tôi mua đều do Công ty TNHH Công nghệ Herbitech sản xuất. Công ty này vừa bị phát hiện làm giả thực phẩm bảo vệ sức khỏe”, anh Ch. nói.
Ngay khi phát hiện, ngày 8/5, anh đã gọi đến đường dây nóng của Pharmacity để phản ánh. Nhân viên tiếp nhận thông tin và mời anh ra cửa hàng để được giải thích, cam kết sẽ cung cấp "bằng chứng sản phẩm đạt tiêu chuẩn".
Tuy nhiên, theo anh Ch., khi đến cửa hàng, nhân viên loay hoay tìm giấy tờ nhưng chưa xuất trình được tài liệu liên quan và hẹn sẽ gửi qua Zalo. Đến nay, sau 3 lần liên lạc với đường dây nóng, anh vẫn chưa nhận được phản hồi rõ ràng.
Một sản phẩm anh Ch. đã mua ở Pharmacity (Ảnh: NVCC)
Theo tìm hiểu, các sản phẩm anh Ch. mua có thông tin công bố như sau:
- Đơn vị công bố: Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Giang
- Nhà sản xuất: Nhà máy Nội Bài – Công ty TNHH Công nghệ Herbitech
- Đơn vị phân phối: Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity
Âm thầm rút sản phẩm khỏi kệ và website
Ngày 10/5, khi chúng tôi tìm kiếm trên website của Pharmacity các sản phẩm mà anh Ch. đã mua thì tất cả đều không còn hiển thị. Trước đó, ngày 8/5, các sản phẩm này vẫn được rao bán công khai.
Tối cùng ngày (ngày 10/5), khi chúng tôi đến một số cửa hàng Pharmacity để tìm mua, nhân viên cho biết cả hai sản phẩm viên uống Pharmacity Hoạt huyết tăng cường tuần hoàn máu não và Pharmacity Joint Care đã “hết hàng”, không rõ thời gian có lại. Tuy nhiên, quan sát tại quầy, vẫn còn tem dán tên và giá hai sản phẩm trên kệ, dù hàng hóa đã không còn.
Anh Ch. cho biết, hiện anh chưa nhận được bất kỳ phản hồi chính thức nào từ phía chuỗi nhà thuốc liên quan đến chất lượng các sản phẩm mà người thân anh đã dùng trong suốt một năm qua.
Đáng lưu ý, ngoài các sản phẩm trên, một sản phẩm khác là Pharmacity Liver Support – thực phẩm bảo vệ sức khỏe do công ty TNHH Công nghệ Herbitech sản xuất – cũng đã âm thầm bị gỡ khỏi trang bán hàng online.
Ảnh chụp màn hình sản phẩm thời điểm ngày 8/5 vẫn còn trên hệ thống kênh phân phối (Ảnh: PV)
Pharmacity nói gì?
Liên quan phản ánh trên, một đại diện truyền thông Pharmacity xác nhận đã tiếp nhận thông tin từ báo chí và cho biết hiện đang đi công tác.
Vị này nói cần có thời gian xin ý kiến lãnh đạo và sẽ trả lời báo chí đầy đủ trong thời gian sớm.
“Do những thông tin này không thể công bố sơ sài, cũng cần phải đầy đủ để người tiêu dùng yên tâm”, vị đại diện này cho biết.
Theo báo Tri thức & Cuộc sống ngày 9/5 đăng tải bài viết có tiêu đề Cảnh báo: Đây là 12 loại mỹ phẩm làm giả vừa bị công an triệt phá, ai đang sử dụng thì cần dừng ngay. Nội dung như sau:
Phát hiện 12 loại mỹ phẩm làm giả với tổng cộng 2.468 sản phẩm thành phẩm
Mới đây, tại thôn Lải, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, tổ công tác gồm Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với Công an xã Đại Lâm và Đội Quản lý thị trường số 4 - Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang đã tiến hành kiểm tra, bắt quả tang hành vi sản xuất và đóng gói mỹ phẩm giả tại nhà riêng của đối tượng Nguyễn Văn Khánh (SN 1996), trú tại thôn Lải, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ một lượng lớn tang vật liên quan đến hoạt động sản xuất mỹ phẩm giả, bao gồm:
13 loại mỹ phẩm khác nhau với tổng cộng 2.468 sản phẩm thành phẩm:
- Kem tẩy trang
- Kem dưỡng da
- Serum trị mụn Demi Skin 3 days
- SEIMY skin 7 days plus
- KT’skin serum
- Lăn khử mùi STOPIREX
- Sạch hôi nách Cú đấm thép
- Khử mùi hôi nách Hải Sen
- Xịt khử mùi BEUFRES
- Nước cất phèn chua ALUFAN
- INOD Armpit Serum
- Crystal 24 Hour
Khoảng 104.000 chiếc tem chống hàng giả và nhãn mác các loại
Gần 10.000 chai, lọ các loại
Hàng triệu vỏ bao bì mỹ phẩm giả
300 kg nguyên liệu bao gồm phèn chua, dung dịch, hương liệu pha chế không rõ nguồn gốc
Hệ thống máy móc sản xuất, gồm máy co màng băng chuyền, máy dập date…
Tất cả những nguyên liệu được sử dụng trong quá trình sản xuất đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được Khánh thu mua trôi nổi trên thị trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng.
Lộ thủ đoạn cực kỳ tinh vi
Trước đó, trong quá trình nắm tình hình, theo dõi hoạt động trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang đã phát hiện nhiều tài khoản có dấu hiệu nghi vấn liên quan đến việc rao bán mỹ phẩm giả. Các tài khoản này hoạt động mạnh trên sàn thương mại điện tử Shopee và nền tảng TikTok, cụ thể:
- Trên Shopee: “Bn Store 2024”, “Bibo Comesticc”, “Nhungnguyen010798”, “Vliwwfo6-r”
- Trên TikTok: “Sare Comesticc”, “Coca Beauty”
Các tài khoản trên thường xuyên đăng tải nội dung quảng cáo, livestream giới thiệu sản phẩm như serum trị mụn, kem trắng da, sản phẩm khử mùi cơ thể… với mức giá rẻ, thu hút người tiêu dùng.
Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, lực lượng chức năng đã tiến hành xác minh, khoanh vùng, và xác định đối tượng Nguyễn Văn Khánh là người đứng sau hoạt động sản xuất và phân phối mỹ phẩm giả tại địa phương.
Qua điều tra ban đầu, Phòng Cảnh sát kinh tế cho biết, từ cuối năm 2024, Nguyễn Văn Khánh bắt đầu nảy sinh ý định sản xuất mỹ phẩm giả sau khi nhận thấy nhu cầu sử dụng mỹ phẩm trên thị trường đang tăng cao.
Khánh đã lên mạng Internet để tìm hiểu thông tin về các loại sản phẩm được tiêu thụ mạnh, từ đó lựa chọn các dòng mỹ phẩm dễ tiêu thụ như serum trị mụn, kem trắng da, khử mùi… để làm giả.
Sau khi chọn được các mẫu mã, Khánh đặt in tem nhãn, bao bì giả của các thương hiệu nổi tiếng rồi tìm mua nguyên liệu pha chế giá rẻ, không rõ nguồn gốc như phèn chua, dung dịch hóa chất, hương liệu… để sản xuất.
Đối tượng cũng tự trang bị máy móc, công cụ, chai lọ, bao bì, tiến hành pha trộn, đóng gói và hoàn thiện sản phẩm ngay tại nhà riêng. Các sản phẩm giả này sau đó được đưa lên Shopee, TikTok để quảng cáo, bán hàng.
Khi có khách đặt mua, Khánh sử dụng dịch vụ giao hàng thu tiền hộ (ship COD) để vận chuyển sản phẩm tới người tiêu dùng khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Hơn 100.000 đơn hàng đã được bán, thu lợi hơn 6 tỷ đồng
Tính đến thời điểm bị bắt giữ, Nguyễn Văn Khánh đã bán trót lọt hơn 100.000 đơn hàng mỹ phẩm giả cho người tiêu dùng trên khắp cả nước. Tổng doanh thu thu về ước tính trên 6 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được đều đến từ hành vi lừa dối khách hàng bằng sản phẩm giả, sử dụng nguyên liệu rẻ tiền, nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục tiến hành điều tra, mở rộng vụ án, xác minh các đối tượng liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong công tác phòng, chống tội phạm sản xuất và buôn bán hàng giả, từ đầu năm 2025 đến nay, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Giang đã đấu tranh và khởi tố 6 vụ án liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc các nhóm mặt hàng như lương thực, thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật.
Phòng Cảnh sát kinh tế cũng gửi đến người dân khuyến cáo mạnh mẽ:
- Chỉ nên mua hàng hóa tại các cơ sở uy tín, có đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn rõ ràng
- Cảnh giác với sản phẩm được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử với giá rẻ bất thường
- Khi phát hiện các hành vi nghi ngờ liên quan đến sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, người dân nên kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng để phối hợp xử lý.
Theo nguồn: https://sohuutritue.net.vn/mua-san-pham-tai-pharmacity-suot-1-nam-khach-hang-soc-khi-kiem-tra-thong-tin-nha-san-xuat-d283205.html