Đường dây đánh bạc ở khách sạn Pullman, Hà Nội từng được báo tin thế nào khi có đoàn kiểm tra?
Hai người Việt Nam được xác định báo tin cho những quản lý người Hàn Quốc mỗi khi có cơ quan chức năng đến kiểm tra, để nhóm này đối phó bằng cách chỉ cho người nước ngoài vào đánh bạc.
Trong vụ án đánh bạc tại Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Kiều (King Club) ở khách sạn Pullman Hà Nội, cơ quan tố tụng cáo buộc các bị can Phan Trường Giang (SN 1972) và Nguyễn Đình Lâm (SN 1954) phạm tội “Tổ chức đánh bạc”.
Theo cáo buộc, cả Giang và Lâm đều là lãnh đạo của King Club. Năm 2019, bị can Lâm ký hợp đồng, cho Kim In Sung (SN 1958, người Hàn Quốc) được kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng tại câu lạc bộ của mình.
Các bên thỏa thuận, phía Kim In Sung phải trả cho King Club chi phí để được quyền kinh doanh. Cụ thể trong 3 tháng đầu là 60.000 USD/tháng; từ tháng thứ 4 đến hết năm thứ 2 là 80.000 USD/tháng; từ năm thứ 3 là 95.000 USD/tháng; năm thứ 4 là 100.000 USD/tháng và năm thứ 5 là 110.000 USD/tháng.

Công an bắt quả tang việc đánh bạc trái phép tại King Club vào năm 2024.
Dù pháp luật quy định chỉ người nước ngoài được chơi trò chơi có thưởng nhưng vì lợi nhuận, Kim In Sung vẫn cho người Việt Nam vào đánh bạc tại King Club.
Để che giấu hành vi này, Sung và các quản lý dưới quyền yêu cầu khách người Việt phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và cung cấp số điện thoại cho nhân viên lễ tân.
Sau đó nhân viên lễ tân dùng phôi trắng thẻ thành viên có sẵn số ID PLAY (số định danh), sử dụng máy chuyên dụng in tên giả bằng tiếng nước ngoài lên thẻ để cấp cho người chơi Việt Nam, không in tên thật.
Ví dụ, bị can Ngô Ngọc Đức, cựu Phó bí thư Thành ủy Hòa Bình được lấy tên “Mr Lucky One” để đánh bạc tổng số hơn 4,2 triệu USD; bị can Hồ Đại Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ lấy tên “Mr Michael” và đánh bạc tổng số hơn 7 triệu USD…
Để lôi kéo, giữ chân người chơi, tùy từng thời điểm, King Club đưa ra nhiều chính sách khuyến mại, tặng Voucher, tiền mặt cho người chơi căn cứ theo điểm tích lũy. Ví dụ, tặng Voucher dành cho người chơi mới từ 200 đến 1.000 USD; tặng theo ngày từ 50 – 2.000 USD; trả tiền % thua cho khách (thua trên 1.000 USD được trả 5%, thua trên 5.000 USD được trả 10%)…
Qua những cách trên, ổ nhóm của Kim In Sung đã tổ chức đánh bạc trái phép với tổng số tiền gần 107 triệu USD (tương đương hơn 2.576 tỷ đồng) và ông ta hưởng lợi bất chính 9,2 triệu USD.
Trong vụ án, cơ quan tố tụng cáo buộc Phan Trường Giang và Nguyễn Đình Lâm còn giúp sức, thông báo cho những quản lý người Hàn Quốc để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Cụ thể, hai người thông báo thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra để dừng việc cho người Việt Nam vào chơi; theo dõi, giám sát, phân loại khách chơi để thông tin cho quản lý Hàn Quốc tiếp tục cho hoặc không cho người Việt Nam vào chơi.
Với Phan Trường Giang, cơ quan tố tụng cáo buộc ông ta là Giám đốc, có nhiệm vụ tổ chức thực hiện và chịu mọi trách nhiệm về hoạt động của King Club. Từ ngày 09/12/2022 đến khi bị bắt quả tang ngày 22/6/2024, Giang biết Kim In Sung cho người Việt Nam đánh bạc trái phép tại King Club và đã trực tiếp quản lý, điều hành King Club nên có vai trò đồng phạm giúp sức.
Trong thời gian từ tháng 02/2024 đến tháng 6/2024, ngoài tiền lương do King Club chi trả, Phan Trường Giang khai Giang và Nguyễn Đình Lâm chia nhau mỗi người từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng/1 tháng từ khoản chi phí cố định còn dư ra.
Bị can Nguyễn Đình Lâm là Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Hải Đăng, biết Kim In Sung cho người Việt Nam đánh bạc trái phép tại King Club nhưng vẫn tham gia quản lý hoạt động tại đây nên cũng có vai trò đồng phạm giúp sức về tội “Tổ chức đánh bạc”.
Từ tháng 2/2024 đến tháng 6/2024, ngoài tiền lương thì Nguyễn Đình Lâm khai được hưởng 250.000.000 đồng/tháng từ khoản chi phí cố định hàng tháng còn dư ra.
Ngoài ra, bị can còn nhận tiền từ phía Kim In Sung trả cho Công ty Việt Hải Đăng chi phí kinh doanh, chi phí cố định hàng tháng. Trong đó, Ngày 1/8/2023, bị can đã nhận 400.000 USD do bị can Shim Hawn Hee (nữ, SN 1996) chuyển, là chi phí kinh doanh của cho thời gian hoạt động từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2024.
Lâm khai đã đưa số tiền nói trên cho ông Võ Văn Hồng (SN 1956, ở Ba Đình cũ, Hà Nội) - ông chủ thật sự của Công ty Việt Hải Đăng. Tuy nhiên, không có tài liệu, chứng cứ chứng minh việc này.
Đối với tiền chi phí cố định 100.000 USD thường do bị can Lâm hoặc bị can Phan Trường Giang nhận hàng tháng rồi đưa cho Ngô Thị Phương Hà là kế toán để chi trả cho các hoạt động của King Club trong tháng.
Theo nguồn: https://danviet.vn/duong-day-danh-bac-o-khach-san-pullman-ha-noi-tung-duoc-bao-tin-the-nao-khi-co-doan-kiem-tra-d1345516.html