Câu chuyện tâm linh khi sử dụng ảnh diễn viên làm ảnh thờ trong phim
Một số diễn viên cảm thấy chỉ là đóng phim, đều là giả tạo không có gì đáng ngại, nhưng nhiều diễn viên vẫn khá kiêng kỵ, mỗi người có niềm tin khác nhau, không thể trách họ.
Ai cũng biết những chủ đề như cái chết tương đối cấm kỵ trong cuộc sống hàng ngày. Kể cả khi nói ai đó đã chết thì thay vào đó chúng ta sẽ dùng những từ khác như “qua đời”, “từ trần”… Nhìn chung, hầu hết mọi người rất ý thức về điều này. Khi xem phim, cái chết của các nhân vật xuất hiện trong đó là điều không hiếm. Tuy là nhân vật trong phim qua đời nhưng những hình ảnh như nằm trong quan tài, và di ảnh người chết được đặt trong nhà tang lễ, hoặc trên bia mộ lại rất thật.
Tuy là giả và cần cho cốt truyện nhưng chính diễn viên phải nằm trong quan tài, di ảnh cũng phải thật giống khiến khán giả thắc mắc không biết có phải kiêng kỵ gì không. Trên thực tế, trong tình huống này, đoàn phim sẽ chuẩn bị trước và trao đổi với diễn viên bởi hầu hết mọi người đều lo lắng về vấn đề này. Đạo diễn sẽ hỏi ý kiến của các diễn viên. Nếu diễn viên đồng ý sử dụng ảnh của chính họ, đạo diễn sẽ lấy ảnh của người đó làm ảnh thờ. Nếu không muốn, nhân viên sẽ dựa vào ảnh của diễn viên để tạo ra một bức ảnh giống với người đó nhất có thể thông qua các hiệu ứng đặc biệt.
Khi đạo diễn sử dụng ảnh của chính diễn viên đó, họ sẽ chuẩn bị một phong bao lì xì đỏ cho diễn viên để tránh xui xẻo. Bên cạnh đó, một số đoàn phim còn dùng những cách thức khác như dán một tờ giấy đỏ đằng sau di ảnh để phân biệt đó là đạo cụ, hàng giả. Hoặc có đoàn phim còn cho diễn viên tham gia tư vấn tâm lý trước khi đóng nhân vật có cảnh qua đời, phải lên bàn thờ. Để không ai nhận ra hình ảnh đó là ai, một số phim còn cố tình quay thật xa những ảnh thờ.
Ai cũng biết trước khi phim khởi chiếu sẽ tổ chức lễ khai máy, dàn diễn viên và ê-kíp có mặt đông đủ thắp hương cúng bái cầu mong cho việc quay phim diễn ra suôn sẻ. Cũng có một số diễn viên luôn tuân thủ nguyên tắc của bản thân và kiên quyết không quay cảnh chết chóc, họ rất quan tâm đến điều này nên đạo diễn sẽ không ép họ.
Điều này cũng dễ hiểu khi một số diễn viên cảm thấy chỉ là đóng phim, đều là giả tạo không có gì đáng ngại, nhưng nhiều diễn viên vẫn khá kiêng kỵ, mỗi người có niềm tin khác nhau, không thể trách họ. Dù sao đã có nhiều phim buộc phải có ảnh thờ của nhân vật, chứng tỏ đoàn phim và diễn viên đã có thỏa thuận hoặc phương pháp để tránh sự nhạy cảm. Ngay cả lễ khai máy cũng luôn luôn được tổ chức lúc trời nắng, còn sáng nghĩa là đoàn phim rất tôn trọng chuyện tâm linh, phong thủy… “Có thờ, có thiêng, có kiêng có lành”!
Khi diễn viên lên… bàn thờ
Bức hình khi còn nhỏ của sao Hàn Quốc Shim Changmin (ban nhạc DBSK) trên bàn thờ ở VN – một cảnh quay của phim truyền hình VN Thề không gục ngã…làm các fan của Changmin nổi giận!
Chuyện diễn viên lên phim chết, rồi ảnh lên bàn thờ hoặc ra… nghĩa trang không có gì xa lạ. Có chăng với người phương Đông vốn duy tâm thì chuyện người còn sống mà bị thờ cúng dẫu chỉ trên phim cũng có gì đó hơi… không ổn.
Changmin ở Hàn Quốc có lẽ chưa kịp biết rằng bức hình hồi nhỏ của mình đã bị… đem thờ ở một phim Việt như Thề không gục ngã, nhưng những người hâm mộ Changmin thì nổi giận, kể ra cũng có ít căn cứ.
Cũng may là sau khi sự vụ bị “phát giác” thì êkip đã gửi lời xin lỗi đến người hâm mộ, đồng thời tuyên bố sẽ chỉnh sửa các tập sau để không có hình ảnh Changmin trên bàn thờ nữa…
Đoàn làm phim Quyên trong một cảnh đưa diễn viên… lên bàn thờ – Ảnh: ĐPCC
Nghe chuyện, đạo diễn Phan Đăng Di, khi được hỏi, đã nói: “Rõ ràng fan của Changmin nổi giận là đúng vì việc đưa bức hình một cậu bé Hàn lên phim là thiếu tôn trọng và vi phạm quyền nhân thân của người ta, đồng thời đó là một hành động vi phạm bản quyền mà đương sự có thể kiện mình được”.
Đạo diễn của Bi, đừng sợ!, Cha và con và… cũng kể kinh nghiệm cá nhân của anh khi làm việc với NSND Trần Tiến (vai ông nội của bé Bi trong Bi, đừng sợ!): “Đương nhiên tôi phải thương lượng với chú về việc chú sẽ… chết, sẽ có đám ma cùng đám giỗ của chú và ảnh chú sẽ lên bàn thờ”.
Chú Trần Tiến chỉ cười: “Làm gì cũng được, tao chết bao nhiêu lần trên phim rồi, không quan trọng!”.
Chung suy nghĩ như Phan Đăng Di, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nói: “Phim của tôi (Em là bà nội của anh – PV) có hình cô diễn viên Minh Đức chết, cô cũng vui vẻ vì đó là một phần nội dung phim. Có lẽ đã là diễn viên chuyên nghiệp thì không ai quan trọng hóa những chuyện này đâu.
Tôi còn nhớ phim Quyên (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, Phan Gia Nhật Linh làm phó đạo diễn), khi cần chi tiết ảnh Trần Bảo Sơn trên bàn thờ sau khi chết, anh Sơn chỉ nói: “Chọn hình nào đẹp trai sáng sủa nha, chứ không có lo ngại kiêng kỵ gì!”.
Gần đây nhất, Người trở về của đạo diễn Đặng Thái Huyền (Điện ảnh Quân đội nhân dân) cũng có cảnh bàn thờ với ảnh diễn viên Lã Thanh Huyền cười rất… tươi! Còn nhớ khi xem đến cảnh này, sau lưng người viết bài này có mấy bác khán giả lớn tuổi, thấy hình Lã Thanh Huyền trên bàn thờ, các bác cười rộ lên và nói: “Khổ, ăn bao nhiêu nải chuối rồi!”.
Đặng Thái Huyền thoải mái khi kể lại: “Tôi chẳng gặp khó khăn gì với việc đưa Lã Thanh Huyền lên… bàn thờ! Đọc kịch bản xong, Lã Thanh Huyền chỉ bảo chị chọn hình nào em xinh vào nhé. Thậm chí, tôi chưa hài lòng với bức hình ban đầu Lã Thanh Huyền mặc áo trắng, bảo đi chụp lại Huyền cũng vui vẻ làm ngay. Rồi tôi và quay phim ngồi chọn hình, vui như chọn… ảnh cưới ấy”.
Có vẻ như các đạo diễn thì vô tư với chuyện này, nhưng còn diễn viên thì sao? Người viết đem băn khoăn ấy hỏi Lương Mạnh Hải. Anh chàng diễn viên điển trai của các phim lãng mạn nói: “Đã làm phim thì chẳng nên suy nghĩ kiêng kỵ gì hết.
Cũng chẳng có nguyên tắc gì cho việc này. Tôi dị ứng với mấy diễn viên lên báo khoe cảnh hôn này nọ là hôn giả vì sợ bạn trai ghen, rồi quan sát trong phim thì thấy hôn giả thật, quay né góc. Với tôi như vậy là thiếu sự chuyên nghiệp! Đóng phim mà kiêng đóng cảnh hôn, kiêng khỏa thân, kiêng đặt ảnh lên bàn thờ, kiêng làm mặt xấu thế thì ngược đãi đoàn phim à?”.
Đúng là sự chuyên nghiệp (bao gồm cả biết tôn trọng quyền nhân thân, bản quyền) là đương nhiên trong một công việc đòi hỏi nhiều yếu tố như làm phim. Nhưng, nếu ảnh trên bàn thờ là trẻ con thì sao? Lý do gì mà đoàn phim Thề không gục ngã lại chọn hình một bé trai người Hàn thay vì hình một diễn viên nhí người Việt?
Với đạo diễn Đặng Thái Huyền, cô nói: “Tôi chưa từng dùng hình trẻ con trên bàn thờ trong các phim của mình. Thì cứ tưởng tượng, đó là con mình, mình có đồng ý điều đó không? Chắc là khó! Thôi thì nếu phải dùng hình trẻ con trên bàn thờ trong phim, tôi sẽ chọn cách thương lượng với phụ huynh của diễn viên nhí, không được thì cắt ghép photoshop ảnh để chẳng giống con ai hết…!”.
Đấy, nguồn cơn là vậy. Dẫu sao cũng vẫn là sự e ngại, cái kiêng kỵ, nhất là với hình ảnh của trẻ con, vẫn có nỗi sợ hãi mơ hồ, khó bước qua! Thế nên lên bàn thờ vẫn không phải là việc dễ dàng, ít ra là cho đa số!
Theo nguồn: https://homnaycogimoi.com/cau-chuyen-tam-linh-khi-su-dung-anh-dien-vien-lam-anh-tho-trong-phim/?fbclid=IwAR1vP3npjdwT7A0KQoo8UziZDemJhnt3giRyJXZlgGO8zBnsNJsckDpdu3c